Vệ sĩ không đơn giản là nghề “cơ bắp”
Áp lực của công việc, vất vả trong luyện tập cùng sự khắc nghiệt của nếp sống nhà binh… là những yêu cầu tối thiểu đối với một người muốn làm nghề vệ sĩ. Do đó, đến với nghề này nếu đơn thuần chỉ vì cuộc sống mà không có lòng đam mê thì việc bỏ nghề là khó tránh khỏi…
Nghề là nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những người thành lập hoặc đến làm việc tại các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, đều là những người đã từng trải qua cuộc đời quân ngũ hoặc từng là công an. Và có lẽ cũng chỉ những người chịu được cuộc sống, công việc có tính kỷ luật cao như trong quân đội, công an mới bám trụ được với nghề này.
Có thể kể tên hàng loạt các công ty vệ sĩ có tên tuổi tại TPHCM đều do những người từng là sĩ quan quân đội, công an thành lập như Công ty Dịch vụ bảo vệ Long Hải, Sài Gòn Nam Chính Trực, Hoàn Cầu…
Còn đối với những vệ sĩ thì sao? Anh Nguyễn Văn Xuân, nguyên thiếu úy sĩ quan dự bị tại Huyện đội Côn Đảo cho biết: Sau khi ra quân, dù đã làm nhiều nghề với mức lương đủ sống nhưng những kỷ niệm về cuộc sống nghiêm khắc ở quân đội luôn thôi thúc anh tìm một môi trường làm việc có tính kỷ luật cao.
Anh Xuân nói: “Dù trải qua nhiều việc nhưng tôi chưa tìm được một nghề phù hợp với mình. Khi nghe Công ty TNHH Bảo vệ và An toàn (ISP) tuyển nhân viên làm vệ sĩ tôi đăng ký liền. Sau một năm làm việc tôi nhận thấy đây đúng là môi trường thích hợp để mình phát huy khả năng…”.
Có lẽ với bất cứ ai khi bước vào nghề đều nghĩ ngay đến những ngày tháng gian khổ luyện tập, cùng với kỷ luật khắt khe trong công việc mà nếu chỉ vì kiếm sống chưa hẳn ai cũng có thể vượt qua được.
Lãnh đạo một công ty dịch vụ bảo vệ cho biết, những tố chất cần thiết cho nghề vệ sĩ là thể hình tốt, tính kỷ luật cao, linh hoạt và lòng đam mê… Trong đó 3 yếu tố đầu thì không đâu sàng lọc, đào luyện tốt hơn lực lượng vũ trang. Do đó có đến 70% nhân viên của các công ty kinh doanh dịch vụ này là bộ đội xuất ngũ hoặc công an chuyển ngành.
Và đó cũng là lý do chính khiến hầu hết các công ty dịch vụ bảo vệ đều ưu tiên cho các đối tượng từng là bộ đội và công an. Một lý do khác, ngay bản thân nhiều thanh niên xuất ngũ nếu muốn có việc làm phải có nghề hoặc vốn, mà hai thứ này đều không dễ có ngày một ngày hai.
Trong khi đó, nếu xin vào các công ty dịch vụ bảo vệ họ có thể hưởng lương ngay từ giai đoạn học nghề và chỉ mất từ 1-3 tháng là đã có việc làm với mức lương đủ sống.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là sự đam mê. Cách đây vài năm, một nhóm đồng hương Bình Định bỗng xôn xao về việc anh Đặng Ngọc Tùng, người đang kinh doanh ăn uống tương đối thành đạt bỗng nhiên bỏ ngang để cùng một số người bạn đã xuất ngũ đứng ra thành lập Công ty Dịch vụ bảo vệ Nam Thiên Long.
Tùng cho biết, “là người đất võ Bình Định, lại rất mê ngành công an nhưng vì hoàn cảnh tôi không thể theo ngành được. Sau gần 10 năm làm ăn ở thành phố tôi quyết định đến với nghề vệ sĩ để thỏa lòng đam mê và cũng góp phần cho sự an toàn của xã hội…”.
Quản lý “vỏ”, buông lỏng “ruột”!?
Mặc dù manh nha từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến đầu những năm 2000 các công ty kinh doanh lĩnh vực này mới rầm rộ ra đời. Tính đến đầu tháng 3 – 2008, toàn TPHCM có 158 doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ đang hoạt động.
Khác với các loại hình dịch vụ khác, dịch vụ bảo vệ không tập trung nhiều ở khu vực trung tâm thành phố. Dẫn đầu danh sách là quận Gò Vấp với 22 doanh nghiệp; Bình Thạnh có 19 doanh nghiệp; Tân Bình đang quản lý 14 doanh nghiệp đang họat động…
Giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14.
Mặc dù trong cả nghị định lẫn thông tư đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, trong cả 2 văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một vệ sĩ trước khi hành nghề.
Theo Trung tá Đoàn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh, PC13, Công an TPHCM, hiện nay, chỉ một vài công ty dịch vụ bảo vệ có ISO về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên.
Đồng thời, mặc dù đã trở thành một nghề nhưng trong hệ thống trường nghề của cả nước đều chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào, cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “vệ sĩ” của Việt Nam.
Một trong những điểm hiếm hoi có đào tạo cấp chứng chỉ cho nghề này là Trường Đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên số lượng học viên ra trường và có chứng chỉ nghề còn khá khiêm tốn so với số lượng khá lớn đang được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty.
Tiêu chuẩn vệ sĩ: “Trăm hoa đua nở”!
Đa số các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều tự đề ra các chương trình huấn luyện nhân viên của mình. Công ty nào mạnh thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn quan trọng như PCCC, sơ cấp cứu…
Trong đó, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng đề ra tiêu chuẩn nhân viên rất thấp. Họ không quan tâm cả về trình độ học vấn, văn hóa lẫn thể hình, sức khỏe. Điều này đã dẫn đến thực trạng là nhiều bảo vệ có vóc dáng rất xấu và cư xử thiếu văn hóa với khách hàng, người dân khi đến giao dịch.
Ông Phạm Chí Điện, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực cho biết: “Hiện nay hầu hết các công ty hoạt động trên lĩnh vực này đều tự xây dựng giáo trình, tự đào tạo… Công ty nào mà người lãnh đạo có nghiệp vụ về nghề thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn thông thường như võ thuật, điều lệnh… chính vì vậy chất lượng giữa các công ty rất khác nhau…”.
Thời gian qua, có không ít công ty khi mở ra, thu tiền đào tạo của học viên và chỉ sau một vài tháng đào tạo rồi giải tán mà không tạo việc làm cho những người đã đóng tiền để học nghề.
Chuẩn hóa nghề – bao giờ?
Buổi diễn tập của một công ty vệ sĩ
ẢNH: LÃ ANH |
Từ năm 2001 đến nay, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13, Công an TPHCM) đã phát hiện khá nhiều sai phạm trong hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ. Công an TPHCM đã ra quyết định xử phạt 47 cơ sở và thu hồi giấy phép kinh doanh của 2 công ty vì không đủ khả năng hoạt động.
Phần đông các cơ sở đều vi phạm các lỗi như: Tuyển dụng người không đúng chức năng; không cấp giấy chứng nhận cho nhân viên; sử dụng gậy cao su, gậy sắt trái phép; không quản lý, điều hành được nhân viên dẫn đến tình trạng nhân viên đánh nhau và đánh nhau với người ngoài; quảng cáo trên báo, đài không đúng quy định; kinh doanh không đúng địa chỉ, địa bàn đã ghi trong giấy phép; cho người nước ngoài tham gia vào ban điều hành…
Để phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ vệ sĩ tư nhân hiện nay, rất cần một quy định, một hệ thống quy chuẩn cụ thể rõ ràng và theo kịp thực tế phát triển của nghề này.
Thực tế, gần 10 năm qua, số lượng các công ty kinh doanh lĩnh vực này đã tăng gấp nhiều lần. Nếu so sánh với các nghề khác có giáo trình đào tạo bài bản, có chứng chỉ nghề được xã hội công nhận và được Tổng cục Dạy nghề quản lý… thì nghề vệ sĩ vẫn đang ở mức tự phát.
Nếu được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng lực lượng vệ sĩ sẽ góp phần vào bảo vệ trật tự, an ninh xã hội. Mặt khác, đây cũng là ngành nghề rất nhạy cảm rất dễ bị lạm quyền, nếu không kịp thời tăng cường quản lý ngay từ bây giờ, với mức độ như hiện nay, không lâu nữa nghề này sẽ phát triển tự phát và khi đó chúng ta sẽ phải gánh những hậu quả đáng tiếc….
Chiến Dũng – Đoàn Hiệp
Theo SGGP
Công ty bảo vệ SBC