Đội nữ vệ sĩ bảo vệ yếu nhân Thổ Nhĩ Kỳ
Có cả một đội nữ vệ sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ: đó là các cô gái tên Aiché, Songul, Essin, Aylin, Tuba… Họ làm việc cho cơ quan đặc biệt bảo vệ yếu nhân trong Sở Cảnh sát Istanbul.
Giáo trưởng Giáo hội Chính giáo BartholoméI của Constantinople (tên cũ của Istanbul) là một trong những yếu nhân được bảo vệ hiệu quả nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vừa qua, trong lễ ban phúc lành ở giáo đường Saint-Dimitar của Bugaria, nếu chú ý người ta sẽ nhận ra một phụ nữ luôn đi theo giáo trưởng. Người phụ nữ kín đáo dò xét mọi người, không bỏ qua bất cứ động tĩnh gì xung quanh. Trẻ tuổi và mảnh khảnh, cô gái mặc comple thanh lịch màu xám và không đeo đồ trang sức như bao phụ nữ bình thường khác. Nếu quan sát gần người ta sẽ nhìn thấy một sợi dây trong mờ mắc vào tai của cô gái và một “cục u” gồ lên bên thắt lưng – tất cả chứng minh đây là một nữ vệ sĩ.
Có cả một đội nữ vệ sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ: đó là các cô gái tên Aiché, Songul, Essin, Aylin, Tuba… Họ làm việc cho cơ quan đặc biệt bảo vệ yếu nhân trong Sở Cảnh sát Istanbul. Khoảng 750 người làm việc trong Sở Cảnh sát Istanbul, trong đó 200 người có nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân trong nước và nước ngoài công du đến Thổ Nhĩ Kỳ. Và phụ nữ chiếm 15% quân số đội bảo vệ yếu nhân.
Khi bảo vệ gần Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhóm nữ vệ sĩ chia ra thành các nhóm nhỏ hơn để công tác bảo vệ được hiệu quả – 3 người lo cho an ninh của thủ tướng, 3 người khác bảo vệ các thành viên gia đình của ông. Và cũng như thế đối với phu nhân tổng thống, Gul. Nữ vệ sĩ Thổ nhĩ Kỳ cũng bảo vệ một số VIP nước ngoài, từ Nữ hoàng Anh Elizabeth cho đến lãnh đạo Muammar Kadhafi của Libya.
Người ta dễ dàng phát hiện ra họ trong các phái đoàn do họ không hề đeo nữ trang, không trang điểm, không mang ví cầm tay hay giày cao gót. Mà ngược lại, họ được trang bị còng tay, tai nghe, súng và một băng đạn phụ. Ngoài ra họ có thể mang kính đen hay màu nhạt. Khi bảo vệ các nhà lãnh đạo Iran hay Arập Xêút, nữ vệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mang mạng che mặt.
Dĩ nhiên nữ vệ sĩ phải tinh thông nhiều môn võ nghệ. Họ được chọn lọc qua nhiều lần kiểm tra căng thẳng, trong đó bao gồm khả năng ngoại ngữ. Aiche Sen, lớn tuổi nhất trong đội nữ vệ sĩ, đã trải qua 10 năm trong nghề. Chị là nữ cảnh sát đầu tiên được giao nhiệm vụ bảo vệ một nguyên thủ quốc gia. Nữ đồng nghiệp của chị, Songul Tépé, cũng đã qua 8 năm trong nghề này. Ngày nay cả hai phụ nữ này đã là chỉ huy đội nữ vệ sĩ và nhiều đồng nghiệp nam cũng dưới quyền của họ. Songul nói: “Các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi đều trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi. Có lẽ vì vệ sĩ ở nước họ đều là đàn ông”.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người nhận công tác bảo vệ yếu nhân không đòi hỏi phải là nam giới. Vệ sĩ cũng phải can thiệp trong trường hợp xảy ra sự lăng nhục, xúc phạm. Aiché nhấn mạnh: “Trong những tình huống như thế, một yếu nhân có thể bị lăng nhục bằng ngôn từ và lời qua tiếng lại có thể dẫn đến xô xát. Chính vì thế mà chúng tôi bắt buộc phải nhanh chóng làm chủ những yếu tố gây rối loạn”.
Còn Essin Adzar nằm trong số những phụ nữ trẻ mới được Sở Cảnh sát Istanbul tuyển mộ. Cô được biên chế vào đội nữ vệ sĩ tinh nhuệ này chỉ mới 1 năm nay. Essin Adzar được tham gia đội nữ vệ sĩ sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa huấn luyện đặc biệt dành cho những sĩ quan tương lai của Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên môn của Essin Adzar là lái xe thể thao. Cô còn độc thân nhưng phần đông những phụ nữ này đều đã có gia đình riêng và chồng của họ thường cũng là đồng nghiệp.
Tuba Aktan nói: “Chung sống với một cảnh sát chẳng phải chuyện dễ dàng. Nhưng khi hai người cùng một cảnh ngộ thì cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Vì chỉ có cảnh sát mới hiểu được hoàn cảnh của nhau mà thôi”
Di An (theo Courrier)
Theo ANTD
Công ty SBC
Mốt… vệ sĩ riêng
Trước đây, chuyện thuê vệ sĩ riêng thường chỉ phổ biến trong giới “đại gia”, các VIP… hoặc ít ra cũng là những người lắm tiền nhiều của. Nhưng bây giờ, chuyện thuê vệ sĩ riêng đang trở thành mốt khi những người chỉ có mức sống “thường thường bậc trung” và cả những nông dân mới bán đất cũng bỏ tiền ra thuê vệ sĩ.
Dạo này, mỗi khi xuất hiện trước đám đông hay đi dự tiệc, họp mặt bạn bè, thậm chí đi nhậu…, người ta thấy đứng kè kè cạnh ông T.M.H., chủ quán phở HA trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM), là một chàng trai lực lưỡng trông rất ngầu. “Vệ sĩ riêng của tôi đấy” – ông H. giới thiệu đầy hãnh diện.
Mốt
Ông H. quyết định thuê hẳn một vệ sĩ riêng cách đây bốn tháng với giá 10 triệu đồng/tháng từ Công ty bảo vệ Phước Bình. Lý do ông H. đưa ra để thuyết phục gia đình cũng như giải thích với bạn bè về việc thuê vệ sĩ riêng thật đơn giản: cách đây ít lâu ông từng nhận được một vài tin nhắn đe dọa tính mạng mà ông nghi ngờ có thể từ “đối thủ”… bán phở cạnh tranh của mình.
“Thời buổi làm ăn khó khăn này khó ai có thể lường trước những kẻ thù ẩn mặt. Chẳng thà chịu tốn kém chút đỉnh mà an toàn tính mạng” – ông H. bảo. Nhưng đôi lần nhậu say, ông mới tâm sự thật lòng rằng ông thuê vệ sĩ vì cả nhóm bạn ông chơi chung gần chục người ai cũng có vệ sĩ riêng.
Ông H. bảo bây giờ người ta không chỉ chứng tỏ “đẳng cấp” với nhau ở chuyện sắm một chiếc xe hơi, mua một miếng đất vùng ven hay căn nhà mặt tiền… mà còn ở việc có hay không có vệ sĩ riêng. “Chẳng lẽ mình lại không bằng bạn bè. Đi đâu cũng có vệ sĩ đi kèm trông oách lăm. Thôi kệ, chịu tốn kém nhưng nở mặt nở mày, cái gì cũng có giá của nó cả…” – ông H. nói.
Theo ông H., nhóm bạn ông có người là chủ cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, chủ quán cà phê, buôn bán bất động sản, lại cũng có người ở nhà cho thuê xe du lịch…, thu nhập chỉ ngót nghét 30-40 triệu đồng/tháng mà vẫn thuê vệ sĩ riêng được còn ông tại sao không! Nhưng xem ra cái khoản “tốn kém chút đỉnh” vì thuê vệ sĩ lên đến chục triệu đồng của ông cũng không đơn giản chút nào vì sau khi “cân đối thu chi”, khoản thu nhập dư ra từ tiền bán phở hằng tháng để cất vào quỹ gia đình bị teo tóp đáng kể. Vợ ông trong dạ cũng héo hon nhưng bấm bụng cho vui lòng chồng.
Theo hợp đồng được ký kết, người vệ sĩ riêng này luôn túc trực bên ông H. 24/24 giờ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần. Có nghĩa tất cả thời gian đi lại, ăn ngủ, nghỉ, gặp gỡ bạn bè… của ông H. đều nằm trong tầm bảo vệ của vệ sĩ. Ngay cả lúc ông H. đứng nấu phở, vệ sĩ của ông cũng âm thầm đứng trong một góc tường săm soi quan sát… khách.
Ông L.K.M., nhà bên khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) vừa nhận tiền đền bù gần 20 tỉ đồng, nói: “Số tiền lớn quá, tuy đã gửi ngân hàng rồi nhưng tôi vẫn không yên tâm. Lỡ bọn xấu đe dọa, bắt cóc tống tiền mình thì sao”. Vậy là ông M. đến ngay Công ty bảo vệ Tân Hoàng ký hợp đồng thuê một vệ sĩ. Để trông giống “yếu nhân”, ông M. tậu một chiếc xe hơi đời mới trị giá 1 tỉ đồng cùng tài xế riêng. Khi đến bất kỳ chỗ nào, ông vừa bước xuống xe là cạnh bên có một vệ sĩ cao to đeo kính đen trông rất oách.
Bạn thân của ông M., ông T.V.B., nông dân ở Long Thạnh Mỹ, quận 9, vừa bán đất được hơn chục tỉ đồng cũng không chịu kém cạnh. Ông này vừa thuê vệ sĩ riêng với giá 12 triệu đồng/tháng.
Trước đây ông B. sống bằng nghề nông, từ dạo bán đất, có tiền rủng rỉnh và cũng chẳng còn công việc gì để làm, thời gian mỗi ngày của ông B. chủ yếu dùng vào việc đi cà phê cà pháo với bạn bè và gầy độ nhậu. Do vậy, vệ sĩ riêng của ông B. khá nhàn hạ, chủ yếu chỉ đi vòng vòng bảo vệ thân chủ ở các quán cà phê, quán nhậu vùng ven. Ông B. khẳng định với bạn bè ông thuê vệ sĩ hoàn toàn không phải để làm sang, theo mốt mà vì lo ngại người ta ám hại mình. Ông nói rặt kiểu chân quê: “Cả đời có mơ cũng không tưởng tượng nổi tui có số tiền lớn như vầy. Bởi vậy ngủ cũng không yên nên thuê vệ sĩ cho chắc ăn…”.
Không chỉ thuê vệ sĩ “trọn gói” dạng 24/24 giờ trong vài tháng hoặc cả năm, nhiều người có mức thu nhập trung bình lại chọn cách thuê vệ sĩ theo giờ hoặc theo ngày. Ông N.H.N., phó phòng kinh doanh của một công ty du lịch ở quận 10 (TP.HCM), vẫn thường thuê vệ sĩ theo giờ mỗi khi đi đến những nơi mà ông cảm thấy “không an toàn” hoặc muốn “chứng tỏ mình” với bạn bè. Với giá thuê vệ sĩ theo giờ của một số công ty vệ sĩ là 50.000-100.000 đồng/giờ, tối thiểu thuê trong năm giờ, ông N. chọn cách này để vừa với mức thu nhập hăng tháng chỉ hơn chục triệu đồng của mình.
Trong những tiệc nhậu quan trọng với đối tác làm ăn, ông N. oai vệ xuất hiện cùng một vệ sĩ. Sau tiệc nhậu, hết giờ nhậu cũng là hết giờ dịch vụ thuê vệ sĩ thì thân chủ và vệ sĩ sẽ đường ai nấy đi.
Chuyện người trong cuộc
Ông H. bảo có vệ sĩ riêng tuy “oai thì oai thật” nhưng lắm khi cũng rắc rối đủ điều. Thời gian đầu có vệ sĩ riêng thì thấy oách với mọi người, nhưng nhiều khi đâm ra khó chịu vì tất cả thời gian riêng tư của mình đều có người khác xen vào. Trong khi đó, theo hợp đồng thì 24/24 giờ vệ sĩ phải túc trực bên thân chủ. Một số người khách của ông H. có vẻ ngần ngại khi đến quán phở của ông do ánh mắt săm soi, dòm ngó của anh vệ sĩ. “Tôi mới ký kết lại hợp đồng với bên công ty bảo vệ về nội quy, giờ giấc cho phù hợp hơn. Bởi trước đây, cậu vệ sĩ cứ bám riết lấy mình vì cậu ta bảo nếu không như vậy sẽ bị công ty phạt” – ông H. nói.
Ông B. cũng hai lần đề nghị thay vệ sĩ vì người vệ sĩ đầu tiên có gương mặt quá “ngầu”, lại có vẻ khó chịu làm bạn bè và người thân của ông cũng ngại ngần khi tiếp xúc với ông. Còn người vệ sĩ thứ hai thì mang chuyện ông đi với bồ “nhí” báo lại cho bà vợ của ông.
“Một số người bạn của tôi từng bị vệ sĩ riêng lấy những thông tin mật, hình ảnh riêng tư rồi cung cấp cho đối thủ của họ hay tống tiền chính thân chủ của mình. Bởi vậy tôi chỉ chọn công ty bảo vệ nào có uy tín mới ký hợp đồng thuê vệ sĩ riêng“ – ông H. cho biết.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên vệ sĩ của Công ty Phước Bình, người vừa hoàn tất hợp đồng làm vệ sĩ riêng trong một năm cho thân chủ là chủ một quán ăn nhỏ ở quận 3, không nhận xét gì về thân chủ của mình vì theo anh, “đó là nguyên tắc nghề nghiệp”. Anh chỉ nhận xét chung rằng phong trào thuê vệ sĩ riêng ở Sài Gòn chưa xuất phát từ nhu cầu cần bảo vệ bản thân của một số người mà giống như là mốt nhiều hơn. “Tất nhiên, thân chủ đã thuê thì mình phải phục vụ hết mình và nghiêm túc đúng như hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, có trong cuộc mới tận mắt chứng kiến lắm câu chuyện bi hài mà đôi khi người vệ sĩ riêng trở thành một thứ trang sức, tô điểm thân chủ mình nhiều hơn là cần bảo vệ họ”.
HOÀNG SƠN
Công ty SBC
9X chê nghề bảo vệ
Nhu cầu tuyển bảo vệ ngày càng tăng cao sau hàng loạt vụ tấn công trường học ở Trung Quốc, riêng Bắc Kinh đã cần tới 13.000 nhân viên an ninh, nhưng ngày càng ít thanh niên muốn làm công việc này.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Nhân lực và an ninh xã hội thành phố Bắc Kinh, hiện thành phố này cần 13.700 nhân viên an ninh, trong khi chỉ có 2.015 đơn xin vào vị trí này.
Sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào học sinh ở Trung Quốc vào thời gian gần đây, khoảng 2.000 nhân viên an ninh đã được đưa tới 500 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở vào giữa tháng 5 này. Nhưng đến khi đó, Bắc Kinh mới thấy rõ tình hình thiếu hụt trầm trọng nhân viên bảo vệ.
Yin Cheng, giám đốc công ty TNHH Dịch vụ An ninh Jinwei ở Bắc Kinh cho biết từ năm 2008 đổ về trước, công ty nhận ít nhất 30 đơn xin việc mỗi tháng. Nhưng đến năm ngoái, họ chỉ nhận được khoảng 10 đơn xin việc mỗi tháng.
“Còn năm nay, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 3 đơn xin việc mỗi tháng. Thời điểm hiện tại, khó có thể tuyển đủ nhân viên an ninh ở Bắc Kinh”. Theo ông Yin, mặc dù mức lương cho nhân viên an ninh tăng từ 500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu đồng)/tháng tới 1.200 nhân dân tệ (3,6 triệu đồng)/tháng trong vòng 3 năm qua, nhưng vẫn rất ít nam thanh niên muốn làm công việc này.
Một nhân viên bảo vệ đứng canh gác bên ngoài một trường tiểu học ở Bắc Kinh. |
“Bố mẹ của những thanh niên thế hệ 9x không muốn con họ làm việc quá nặng nhọc”, ông Yin nhận xét. Tuy nhiên số lượng khách hàng yêu cầu nhân viên an ninh lại tăng 20% trong hai năm qua.
5 năm trước, nhiều bảo vệ ở Bắc Kinh thường là người Hà Nam và Sơn Đông, nhưng nay công ty của ông Yin chỉ có thể tuyển nhân lực từ những vùng kém phát triển hơn ở phía Tây Trung Quốc hoặc ở những vùng nghèo hơn ở tỉnh Hà Bắc.
“Ở phía nam Trung Quốc cũng đang rất thiếu nhân lực, và thanh niên có thể tìm việc với mức lương tốt hơn ở đó”, ông Yin cho biết. Thế hệ thanh niên hiện nay không muốn làm việc xa nhà. Nếu một người tìm được việc gần nhà, anh ta sẽ không nghĩ tới việc đến Bắc Kinh tìm việc nữa.
Nhiều người không muốn làm nhân viên bảo vệ nữa bởi đa số nhân viên an ninh thường làm những việc như gác cổng, “nghe thật chán”, ông Yin nói. Hiện, tiêu chuẩn tuyển bảo vệ đã dễ dàng hơn trước. Ba năm trước, chỉ những nam thanh niên tuổi từ 18-30, không tiền án, tiền sự, cao trên 1m70, mới được nhận vào đào tạo thành bảo vệ.
Lu Jianxin, 22 tuổi, một sinh viên an ninh công cộng, sắp tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Phật Sơn, cho biết anh không bao giờ nghĩ sẽ trở thành một nhân viên bảo vệ, dù anh thường thực tập trong một đồn cảnh sát với chức danh là nhân viên bảo vệ.
“Đa số nhân viên bảo vệ mà tôi biết đều nói rằng mức lương 900 nhân dân tệ/tháng là quá thấp và họ sẽ làm công việc mà cảnh sát không muốn làm”.
Hồng Hạnh
(Theo China Daily)
Công ty dịch vụ bảo vệ SBC
Nghề bảo vệ: cung – cầu “lệch pha”
Trong khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nghề bảo vệ “gặp thời” và bỗng chốc trở thành một trong những nghề “hot” do nhu cầu của thị trường không ngừng tăng lên. Chỉ cần một cú click chuột vào các trang tuyển dụng việc làm, bạn có thể nhận thấy ngay những lời mời chào tuyển dụng nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cán cân nghề này vẫn nằm trong trạng thái “lệch”.
Nhu cầu không ngừng tăng
Hàng loạt các công ty tên tuổi như SBC, Hoàng Gia, Thắng Lợi, Đại Hùng, Long Mỹ liên tục đăng thông báo tuyển dụng bảo vệ chuyên nghiệp với số lượng không hạn chế. Thực trạng đó cho thấy nhu cầu lao động trong lĩnh vực này luôn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Anh Phạm Văn Đức – Trưởng phòng Hành chính nhân sự, công ty Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Thắng Lợi cho hay: “Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp mới được thành lập tăng vọt, kể cả các công ty trong nước và công ty nước ngoài, chính vì thế mà nhu cầu nhân lực bảo vệ mấy năm gần đây tăng rất nhanh. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi còn cần phải tuyển tới hơn 400 nhân viên nữa mới đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Xu hướng chung của các công ty trong nước cũng như các công ty liên doanh, các công ty nước ngoài là sử dụng bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ thay vì sử dụng bảo vệ tự thuê rồi tự đào tạo.
Chị Mỹ Dung, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội giải thích: “Việc thuê nhân viên bảo vệ vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, lại nhẹ nhàng hơn trong khâu quản lý”.
Hiện tại cả nước có tới hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chuyên nghiệp. TP.HCM chiếm 70% số lượng công ty bảo vệ trên cả nước và được đánh giá là chuyên nghiệp hơn các công ty bảo vệ miền Bắc.
Thu nhập của công việc bảo vệ khá hấp dẫn. Nếu như trước đây chỉ dao động từ 800.000 – 1,5 triệu đồng/tháng thì nay ngay trong quá trình học tập, đào tạo đã được hưởng lương thử việc ở mức 900 nghìn – 1,3 triệu đồng. Khi nhận công tác chính thức, mức lương dao động từ 1,5 – 2,7 triệu đồng/tháng.
Nữ giới cũng là đối tượng đang được các công ty bảo vệ chuyên nghiệp quan tâm. Tuy tỷ lệ tuyển chỉ vào 1/15 (15 nam thì tuyển một nữ) nhưng hiện nay, nhu cầu nữ bảo vệ đang tăng lên.
“Như siêu thị lớn Big C, mỗi đợt đặt hàng chúng tôi, họ cũng cần đến hàng chục nữ bảo vệ chuyên nghiệp. Những nữ bảo vệ này vừa có nghiệp vụ bảo vệ, lại vừa có vẻ đẹp nữ tính, nên rất cần cho những công việc tại cửa hàng siêu thị.
Hiện giờ chúng tôi còn thiếu khoảng 50 nữ bảo vệ cho các đơn đặt hàng sắp tới”, anh Hoàng Dương, nhân viên nhân sự của một công ty bảo vệ ở Hoàng Mai cho biết.
Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài đã đặt hàng các công ty bảo vệ Việt Nam đào tạo cho họ những người bảo vệ chuyên nghiệp nhưng chuyên làm công tác quản lý, gọi là chỉ huy quản lý mục tiêu. Yêu cầu của những người giữ vị trí này khá cao, tối thiểu là: tốt nghiệp đại học, biết ngoại ngữ…
Anh Phạm Văn Đức, Trưởng phòng Nhân sự của công ty Bảo vệ Thắng Lợi cho biết: “Hiện nay các công ty nước ngoài chỉ thuê bảo vệ chuyên nghiệp người Việt, còn những người quản lý nhân viên bảo vệ thì họ lại thuê của các công ty bảo vệ nước ngoài, vì họ vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng của chúng ta”.
Đào tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi
Mặc dù ra đời từ giữa những năm 1990, nhưng phải đến giữa năm 2001, Thủ tướng mới ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ (DVBV). Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14.
Nhưng cả hai văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một bảo vệ chuyên nghiệp.
Hiện nay, dù đã là một nghề thật sự nhưng chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “bảo vệ chuyên nghiệp” của Việt Nam.
Thiếu úy Nguyễn Văn Khoa, giáo viên Trường đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là một trong những trường hiếm hoi đào tạo và cấp chứng chỉ nghề “bảo vệ chuyên nghiệp” cho biết, để tốt nghiệp khóa đào tạo, học viên phải vượt qua 11 môn học trong thời gian ít nhất ba tháng.
Trong đó, những môn như võ thuật, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, nghiệp vụ bảo vệ… là những môn học bắt buộc.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ là một nghề đặc biệt. Công an là đơn vị cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu cũng chỉ về mặt hình thức, hành chính. Về đào tạo, các công ty, doanh nghiệp tự đảm nhận nên chưa tạo ra mặt bằng chất lượng chung.