Nhọc nhằn nghề bảo vệ đêm
Công ty bảo vệ SBC – Trong đêm tối, dưới ánh đèn điện cao áp mờ mờ, P.V.D (19 tuổi, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang bảo vệ cho một công ty trên đường Nguyễn Tri Phương gật gà ngồi ngủ. Thấy chúng tôi, D. tái mặt ấp úng bởi nghĩ chúng tôi là người quản lý lực lượng bảo vệ. Dúi dúi đôi mắt, D. nói: Em xin lỗi vì buồn ngủ quá. Cả ngày hôm qua không ngủ được.
Dù trời nắng hay trời mưa, dù khó khăn, nhọc nhằn nhưng vì mưu sinh nên lực lượng bảo vệ vẫn không rời mục tiêu.
Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, D. ngập ngừng nói: Là con trai đầu trong gia đình có 6 anh em. Nhà nghèo, mới học lớp 11 em phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí. Ở quê, không có nghề nghiệp, em cùng bố đi bắt chim, sập thú hằng ngày, cuộc sống hết sức túng thiếu. Bên cạnh đó, nhà đông người, ruộng vườn lại ít nên rất khó khăn. Mới 17 tuổi, em phải bôn ba nhiều nơi để lao động kiếm sống nhưng đồng lương quá ít, không đủ tiền để giúp gia đình. Nghe một người quen giới thiệu, em đến Đà Nẵng xin vào làm nghề bảo vệ với hợp đồng mỗi tháng gần 2 triệu đồng.
Có điều, em phải trực ca đêm. Ban đầu mới vào trực, em không chịu nổi sự buồn ngủ. Tưởng chừng như em phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, sự khó khăn trong tìm việc của một kẻ không bằng cấp như mình, nên em đã cố thích nghi và từng bước vượt qua. Dù hiện nay, đôi lúc ban ngày không ngủ được, ban đêm cũng phải gà gật nhưng em phải hết sức cố gắng để làm tốt nhiệm vụ, không để bị trách phạt. Trình độ như bọn em, nếu không bán sức lao động để làm thuê với một cái giá rẻ mạt thì khó kiếm đâu một công việc tốt, nhẹ nhàng. Nghề bảo vệ dù nhọc nhằn, nhưng chúng em được tôn trọng khi làm việc và nếu biết tiết kiệm thì mỗi tháng cũng có tiền gửi về để phụ giúp gia đình.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có hàng trăm người bảo vệ phải làm việc ban đêm. Đêm về là lúc gia đình được sum vầy, nhưng những con người ấy phải bỏ qua những giây phút được ở bên gia đình, vợ con, gắng gượng chống chọi với sự rét lạnh, những lúc buồn ngủ đến điên người, không gian vắng lặng đến cô độc.
Không chỉ vậy, họ bỏ qua cả những niềm vui chung của xã hội chỉ vì mưu sinh. Trong những đêm diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010, hàng chục nghìn người ồ ạt kéo về bờ sông Hàn thơ mộng để thưởng ngoạn. Nhưng đối với những người làm nghề bảo vệ ban đêm, họ phải cố quên điều đó để chú tâm làm tốt công việc của mình. Anh Huỳnh V. T. làm bảo vệ tại một công ty trên đường Nguyễn Văn Linh thổ lộ: Nghe tiếng pháo hoa nổ mà lòng nao nao, muốn bỏ “mục tiêu” để đi xem. Nhưng ngẫm lại, vì miếng cơm manh áo nên ngậm ngùi “hưởng thụ” bằng thính giác. Cuộc sống mà, biết làm sao được! Xã hội đã phân công mỗi người mỗi nghề, mình không có trình độ đành chịu thôi. Nếu bỏ đi, lỡ bị đuổi việc thì sao?
Vất vả đã đành, nghề bảo vệ còn phải đối mặt với những hiểm nguy trong đêm tối. Theo ngành Công an cho biết, những năm qua, có nhiều vụ án tội phạm đã tấn công lực lượng bảo vệ để cướp tài sản. Những vụ án như thế thường có số tài sản bị mất rất lớn. Điển hình, vào giữa năm 2003, trên đường Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng), bọn tội phạm đã trói bác bảo vệ của một cơ quan Nhà nước để cướp hơn 1,6 tỷ đồng. Năm 2005, tại tiệm vàng T.N, kẻ gian đột nhập dùng dây trói, nhét giẻ vào mồm bảo vệ, sau đó ngang nhiên cướp đi 15kg vàng cùng nhiều đồ vật khác. Mới đây nhất, vào ngày 5-8-2009, bọn cướp đã đột nhập vào một trường học trên địa bàn quận Thanh Khê, trói bảo vệ rồi cạy két sắt lấy đi hàng chục triệu đồng.
Qua một số vụ trói bảo vệ, cướp tài sản nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Theo như ngành Công an, hiện nay, bọn tội phạm hết sức manh động. Để hoạt động phạm tội, bọn chúng có quá trình theo dõi. Sau khi phát hiện các cơ quan, doanh nghiệp không có lực lượng bảo vệ, hoặc có nhưng mỏng thì chúng ra tay hành động. Khi tiếp xúc với những người bảo vệ ban đêm, họ cho biết: Khi phải bảo vệ ở những doanh nghiệp có tài sản lớn thì càng thấy lo lắng hơn. Nếu như bọn tội phạm có ý đồ xấu thì một mình khó để đối phó. Chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công việc của mình, chỉ hy vọng các lực lượng chức năng phát huy sức mạnh để xã hội ngày càng ổn định, không còn bọn tội phạm lộng hành.
Công ty dịch vụ bảo vệ SBC St
Gian nan nghề Bảo Vệ, Vệ Sĩ
Dịch vụ bảo vệ SBC – “Đơn điệu, buồn tẻ! Nghề này là vậy, chẳng có gì vui đâu!” – Hiền, vệ sĩ một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhất nhì thành phố, bộc bạch khi chúng tôi đòi nghe những chuyện vui buồn trong đời vệ sĩ của anh.
Theo anh, làm nghề này, riết rồi những thói quen trong công việc cũng nhiều lúc “bị ứng dụng” một cách rất tự nhiên vào trong cuộc sống đời thường. Đến bất cứ chỗ nào, cặp mắt cũng láo liên để quan sát cách ăn mặc của người này, từng cử chỉ của người nọ. Những hôm không có ca trực, tranh thủ đi chơi với vợ, đến chỗ đông người – như một phản xạ quen thuộc – việc đầu tiên của anh là đảo mắt tìm… chuông báo động, bình chữa cháy, lối thoát hiểm! Vậy đó (dù không hề cố ý), an toàn vẫn là ưu tiên số một. Chuyện vui vẻ tính sau!…
Anh T., nhân viên công ty A, cho biết, đề phòng những trường hợp người cai nghiện đói thuốc “làm ẩu”, anh phải theo sát nhất cử nhất động của họ. Đến nỗi, lúc người cai nghiện đi tiểu, anh cũng phải đứng canh bên ngoài toalet! Nhưng giới bảo vệ nhận xét, theo nghề này, “nhẫn” nhất là những người làm việc trong các khách sạn, nhà hàng; còn “liều” nhất là những người làm trong các quán bar, vũ trường, sàn nhảy. Làm nhà hàng phải cực “nhẫn” vì phải chiều lòng hai tầng “thượng đế”; còn làm trong các quán bar, vũ trường, khó tránh những nguy hiểm đến tính mạng!
Có vẻ xương xẩu như thế, nhưng nghề vệ sĩ khá “hút hàng” trong vài năm gần đây. Càng ngày, càng có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này ra đời. Theo đó, đông đảo lao động, nhất là giới trẻ, nô nức tham gia. Hầu như các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều có quy trình tuyển dụng người na ná nhau. Trẻ, khỏe, thể hình tốt – đó là điều kiện cần để “đóng” tên mình vào những lớp chiêu sinh vệ sĩ. Qua vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp theo một giáo trình riêng. Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng, các vệ sĩ tương lai sẽ được trang bị một số “vốn” căn bản, từ trình độ võ thuật đến những kiến thức tổng quan về luật (Luật Lao động, Luật Hình sự…) tác phong làm việc (cách viết báo cáo, ghi chép điều tra, thẩm vấn; cách sử dụng các loại máy thông tin; rèn luyện trí nhớ); phương pháp phòng chống trong những trường hợp cụ thể; cách bảo vệ, tự vệ, sơ cấp cứu, phòng cháy, chữa cháy… Thế vẫn chưa ổn đâu. Xong khóa đào tạo, các học viên này sẽ được phân công về các nhà máy, công trường, công ty, xí nghiệp, cao ốc… để thực nghiệm. Qua kỳ sát hạch, trở thành nhân viên chính thức của công ty, lúc ấy, mới được gọi là vệ sĩ – tức là một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp.
Bát nháo chuyện thương trường
Nhiều người đưa giả thuyết, nghề vệ sĩ ở ta hiện nay có gốc gác sâu xa từ hoạt động bảo tiêu bên Trung Quốc. Nếu giả thuyết ấy đúng thì nghề này đã có lịch sử từ mấy ngàn năm rồi! Manh nha từ đời nhà Tống, nghề bảo tiêu phát triển cực thịnh dưới thời Mãn Thanh, ấy là do thời gian này hoạt động giao thương quốc tế được mở rộng hơn nhờ con đường tơ lụa. Nhưng có lẽ, Âu – Mỹ mới là mảnh đất phì nhiêu cho nghề vệ sĩ sinh sôi, nhất là trong khoảng thời gian gần trăm năm trở lại đây. Nhưng còn ở Việt Nam, chỉ từ khi nước ta bắt đầu mở cửa, nghề này mới dần dà trở thành một nhu cầu thực tế và ngày một phát triển như hiện nay.
Lúc trước, thường các cơ quan doanh nghiệp đều chỉ sử dụng “bảo vệ vườn” – tức là lực lượng bảo vệ của chính nội bộ cơ quan, tổ chức ấy. Dần dần, khi nghề vệ sĩ bắt đầu hình thành và bắt nhịp với đời sống hiện đại, lớp bảo vệ “cây nhà lá vườn” mới ngày một ít dần đi. Thay vào đó là xu hướng sử dụng những vệ sĩ chuyên nghiệp của các công ty cung ứng.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp ở Việt Nam khá mới mẻ. Trong giới doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực an ninh dân sự này, Yuki Spe 24, Long Hải, Thăng Long, Sài Gòn Nam Chính Trực trả lương nhân viên tương đối cao. Còn lại tại hầu hết các công ty khác, hiện nay bình quân thu nhập mỗi vệ sĩ chỉ ở ngưỡng 700.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa hẳn đã cao so với các ngành nghề khác, nhưng khá đông thanh niên tìm việc vẫn hăng hái lao vào. Mỗi người theo đuổi nghề này đều có một lý do riêng nhưng chung quy theo họ đây là một nghề “có sức hấp dẫn đặc biệt”.
Nghề kinh doanh dịch vụ an ninh dân sự này hằng năm đem về cho các công ty một khoản doanh thu không thể gọi là nhỏ. Vì thế, thấy người “ăn khoai”, kẻ khác cũng “vác mai đi đào”. Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện có trên 80 công ty, riêng TP.HCM đã có hơn 69 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ là một nghề đặc biệt. Công an là đơn vị cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu cũng chỉ quanh quẩn về mặt hình thức, hành chính. Chính trong những cuộc họp với doanh nghiệp, cấp quản lý vẫn thừa nhận đây đó việc quản lý còn có chỗ lỏng lẻo sơ sài. Về đào tạo, trước đây, đa số doanh nghiệp ký kết hợp đồng với các trung tâm, đơn vị chuyên môn – các trường đại học, trung học cảnh sát, an ninh, cảnh sát PCCC, hội chữ thập đỏ… Nhưng thực tế hiện nay, phần lớn quá trình đào tạo đều do các công ty, doanh nghiệp tự đảm nhận. Các doanh nghiệp vừa là tổ chức đào tạo vừa là nhà cung cấp dịch vụ, xét một mặt nào đó thuận lợi cho người lao động. Thế nhưng hình thức độc quyền đó trong nhiều trường hợp đã dẫn đến hành động lừa đảo – một công ty dịch vụ bảo vệ ở quận Tân Phú, TP.HCM mà chúng tôi chưa tiện nêu tên – doanh nghiệp chiêu sinh, đào tạo (dĩ nhiên có thu học phí đàng hoàng) nhưng lại không bố trí việc làm cho người lao động. Chất lượng vệ sĩ còn mơ hồ ở chỗ nhiều doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận đã tiết kiệm hóa, đơn giản hóa quá trình đào tạo. Từ đó nhiều “sản phẩm” xuất xưởng không đạt yêu cầu về mặt nghề nghiệp. Lương thấp, không được đào tạo bài bản, quản lý nghiêm ngặt, không ít nhân viên bảo vệ an ninh đã làm những chuyện khó có thể chấp nhận: thông đồng ăn cắp tài sản của khách hàng, hành hung,, bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm đồng loại, cư xử theo lối giang hồ làm mất trật tự trị an nơi được phân công công tác…
Bạn đọc hẳn còn nhớ: cách đây không lâu, năm 2002 đã từng xảy ra vụ Xí nghiệp Toyota Đông Sài Gòn (TESC) thuê vệ sĩ Công ty bảo vệ TL để giải quyết tranh chấp mặt bằng với Công ty TNHH Ô tô Đông Sài Gòn (DOSAGO). Toán vệ sĩ này cùng với cánh bảo vệ nội bộ của TESC đã dùng dùi cui, roi điện phong tỏa khu vực tranh chấp. Cuộc hỗn loạn có sự tham gia của lực lượng bảo vệ chính quy này đã gây ra một dư luận rất xấu trong nhân dân. Mới đây nhất, ngày 14/4/2004, tại khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, do giải quyết hiềm khích với nhau, hai nhóm bảo vệ Y.S và T.L “71” đã gây ra một vụ ẩu đả. Theo Thiếu tá Trần Quang Hiệp, Trưởng Công an thị trấn Phú Mỹ, sự vụ xuất phát từ việc ngày 28/3/2004, một nhân viên của Công ty T.L bị bảo vệ của Công ty Y.S bắt làm kiểm điểm vì tình nghi bảo vệ của T. L ăn cắp dầu. Tối 14/4/2004, toán nhân viên của T.L đã bất ngờ kéo lực lượng từ thôn Ngọc Hà qua Quảng Phú (cùng ở thị trấn Phú Mỹ) “viếng” nhà trọ của đám nhân viên Y.S. Một cuộc tập kích bằng mưa đá, gậy gộc diễn ra. Toán bảo vệ T.L xông vào nhà trọ của nhân viên Y.S đập bể cửa kính, lôi 3 nhân viên của Y.S ra hành lang đánh, bắt quỳ xuống xin lỗi. Một cách hành xử chắc chắn hoàn toàn không có trong giáo trình huấn luyện nghề vệ sĩ.
Chắc sẽ có nhiều người bảo: sự việc đó cũng chưa có gì ghê gớm! Nhưng nếu đặt trong bối cảnh nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ đang bộc phát (chưa chắc đã được kiểm soát chặt chẽ!) như hiện nay, trong khi chưa có một quy định nào khả dĩ hướng dẫn cặn kẽ cho các doanh nghiệp hoạt động (ngoài Nghị định 14, 47 của Chính phủ và Thông tư 07 của Bộ Công an), chưa có những chế tài thật nghiêm minh để xử lý những trường hợp vi phạm… cộng với ảo tưởng về một thứ quyền lực mơ hồ có được do tác phong “oai vệ” và công việc đặc biệt của mình tạo ra, một bộ phận vệ sĩ đã hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp như thế. Bên cạch đó, thực tế đã có việc một số doanh nghiệp thành lập nhưng không hoạt động được và tự tiện chuyển giao tư cách pháp nhân cho người khác, cũng như khâu tuyển chọn và quản lý nhân viên của nhiều công ty chưa thật chu đáo, kỹ càng. Giả dụ, nếu có những đối tượng xấu trà trộn, lợi dụng hoạt động làm ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự thì sao? Rõ ràng, nếu không kiểm soát được đây sẽ là một lực lượng bảo kê, vô tình có được sự tiếp tay của Nhà nước. Điều đó thật nguy hiểm khôn lường.
Nguyên thủy, nghề vệ sĩ ra đời không chỉ nhằm mục đích kinh doanh. Và dù khá mới mẻ nhưng từ lúc xuất hiện đến nay, nghề vệ sĩ đã góp phần không nhỏ trong phong trào bảo vệ anh ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác… Đã có những tấm gương người tốt việc tốt là vệ sĩ – ngăn chặn những vụ móc nối trộm cắp trong các khu chế xuất, truy bắt tội phạm cướp giật, nhặt được của rơi trả người bị mất,… Đặc biệt điển hình như gương nhân viên Công ty Đ.N.A dũng cảm cứu hơn 300 người thoát chết trong vụ cháy ITC. Đó là những hạt nhân tích cực trong phong trào giữ gìn bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội rất đáng khen ngợi. Chắc chắn họ làm việc đó vì không chỉ mình vai u thịt bắp, có dùi cui, nón két, roi điện, bộ đàm…
Ai đó đã nói rằng người vệ sĩ hiện đại cần phải biết cách quên để nhớ nhiều thứ. Nhưng có một thứ họ không thể quên đó là đạo đức và lối hành xử có văn hóa, ít nhất cũng là tối thiểu của một người bình thường. Trong nhiều giáo trình huấn luyện của các công ty vệ sĩ đều có nhắc: “Bạo lực, võ thuật chỉ là phương tiện tự vệ cuối cùng”. Bài học thật hay, nhưng không hiểu đặt trong tình trạng nghề kinh doanh bảo vệ còn tranh tối, tranh sáng như hiện nay, liệu nó có hiện diện được suốt mỗi thời khắc trong đời người vệ sĩ?
Công ty SBC St
Vệ sỹ – nghề hấp dẫn giới trẻ – Công ty SBC
“Thường xuyên vắng nhà, bất kỳ lúc nào cũng có thể gặp nguy hiểm. Khi thân chủ nghỉ ngơi là lúc mình phải tỉnh táo. Thu nhập không cao song tôi thấy vui vì có điều kiện để che chở cho người khác và chống lại cái ác”, anh Hoàng Văn Ân, một vệ sỹ lâu năm của Công ty Cổ phần bảo vệ Đại Gia tâm sự.
Nghề bảo vệ chuyên nghiệp hay còn gọi là vệ sỹ xuất hiện từ cuối năm 1995. Đến nay, ngành này đã có trên 30 doanh nghiệp với khoảng 7.000 người, trong đó đa số là nam giới, chỉ có 10% là nữ, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Vài năm trở lại đây ở một số tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… cũng xuất hiện các công ty bảo vệ.
Để trở thành một vệ sỹ thực thụ, các nam thanh niên phải đạt tiêu chuẩn cao trên 1,68 m, cân nặng trên 57 kg, nữ từ 1,58 m, cân nặng 50 kg trở lên; có sức khỏe tốt, dẻo dai, nhanh nhẹn, tư cách tốt, lý lịch trong sạch, trình độ học vấn tối thiểu tốt nghiệp THPT, ưu tiên người biết ngoại ngữ và bộ đội, công an nghĩa vụ phục viên.
Các công ty bảo vệ có quy trình tuyển người khá giống nhau. Thí sinh phải qua kiểm tra thị lực, thính lực và đặc biệt là kiểm tra thể lực ban đầu bằng động tác chống đẩy trong vòng 45 giây (tương đương 45 lần). Ở vòng chiều cao, cân nặng, mắt, tai có thể lọt qua dễ dàng, song đến vòng chống đẩy nhiều sĩ tử đã phải đầu hàng. Trong buổi thi tuyển vào Công ty bảo vệ Đại Gia (Gia Lâm, Hà Nội), Trần Mạnh Kiên, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT, dù hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng cũng đành ngậm ngùi gác lại mơ ước trở thành vệ sỹ. Đến vòng thể lực anh lấy hết bình sinh cũng chỉ chống đẩy được vài lần. Qua vòng sơ tuyển, các vệ sỹ tương lai sẽ bước vào khóa đào tạo từ 2 đến 3 tháng với kiến thức cơ bản về pháp luật, sơ cứu ban đầu, phòng chống và phương án đối phó khi xảy ra cháy nổ, nhận biết bom mìn, biết bắn súng và võ thuật.
Tất cả vệ sỹ khi được đào tạo đều thống nhất nguyên tắc được ghi trong giáo trình: “Sự an toàn của thân chủ là thước đo năng lực làm việc của nhân viên và thành công của doanh nghiệp”. Ông Phạm Quy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ Long Hải, nói: “Người vệ sỹ phải luôn có được cái đầu mát và coi sự an toàn của thân chủ là trên hết”. Để bảo vệ an toàn cho khách hàng, anh Tô Ngọc Hải, nhân viên công ty Hoàng Gia, làm tại Bar Phi Thuyền (TP HCM) đã lấy thân mình che cho thân chủ trong một vụ tấn công của xã hội đen. Vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC hồi cuối năm ngoái, nhân viên công ty Long Hải cứu được gần 300 người. Anh Vũ Tín, một trong những nhân viên đó, được người dân TP HCM nhớ mãi về lòng dũng cảm, song lý do anh lao vào lửa cứu người thật giản đơn: “Tôi đã cứu được 2 người, lúc đó nếu có chết cũng vẫn lãi được một người”.
Một buổi tập của các “vệ sỹ”. |
Thu nhập trung bình của nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp tại hầu hết các công ty từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Một số công ty thành lập sớm như: Long Hải, Thăng Long, YUKI 24/24, Long Hổ, SCD, Hoàng Gia… có mức thu nhập cao hơn. Không ít vệ sỹ làm tốt nhiệm vụ đã được khách hàng bồi dưỡng thêm hay tặng quà nhân ngày lễ, tết. Anh Nguyễn Đình Khiêm, bảo vệ tại khu biệt thự tập đoàn Nike, khu công nghiệp Sóng Thần, hồ hởi cho biết: “Do làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi tháng thân chủ bồi dưỡng thêm 20 USD”. So với nhiều ngành nghề khác mức thu nhập này chưa phải là cao song lại hấp dẫn không ít thanh niên. Anh Ân, sau nhiều năm theo nghề bộc bạch: “Tôi chọn làm vệ sỹ do yêu thích sự mạo hiểm và muốn được làm người hùng”.
Mặc dù không rầm rộ như các lĩnh vực khác nhưng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sỹ cũng có doanh thu hàng năm không nhỏ bởi ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp muốn thuê bảo vệ chuyên nghiệp. Ông Đặng Việt Hùng, trưởng phòng kinh doanh công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoàng Gia (Hải Phòng) cho biết doanh thu của đơn vị khoảng 2 tỷ đồng/tháng, các doanh nghiệp khác cũng xấp xỉ con số này.
Thời gian tới, các công ty bảo vệ chuyên nghiệp sẽ tích cực mở rộng thị trường và chú trọng hơn đến phát triển loại hình mới. Được đánh giá là doanh nghiệp chịu đầu tư trong lĩnh vực này, Công ty Hoàng Gia sẽ mở thêm một dịch vụ mới là lực lượng phản ứng nhanh. Các gia đình, công sở khi đi vắng, nếu xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ hoặc bị kẻ gian đột nhập, hệ thống thiết bị bảo vệ tự động sẽ báo về trung tâm điều hành của công ty và đội phản ứng nhanh sẽ có mặt tại hiện trường chỉ sau ít phút. Bên cạnh đó, Hoàng Gia cũng vừa gia nhập Hiệp hội An ninh Công nghiệp Mỹ và tiến tới áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000.
Thế Dũng
Vệ sĩ không đơn giản là nghề “cơ bắp”
Áp lực của công việc, vất vả trong luyện tập cùng sự khắc nghiệt của nếp sống nhà binh… là những yêu cầu tối thiểu đối với một người muốn làm nghề vệ sĩ. Do đó, đến với nghề này nếu đơn thuần chỉ vì cuộc sống mà không có lòng đam mê thì việc bỏ nghề là khó tránh khỏi…
Nghề là nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết những người thành lập hoặc đến làm việc tại các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, đều là những người đã từng trải qua cuộc đời quân ngũ hoặc từng là công an. Và có lẽ cũng chỉ những người chịu được cuộc sống, công việc có tính kỷ luật cao như trong quân đội, công an mới bám trụ được với nghề này.
Có thể kể tên hàng loạt các công ty vệ sĩ có tên tuổi tại TPHCM đều do những người từng là sĩ quan quân đội, công an thành lập như Công ty Dịch vụ bảo vệ Long Hải, Sài Gòn Nam Chính Trực, Hoàn Cầu…
Còn đối với những vệ sĩ thì sao? Anh Nguyễn Văn Xuân, nguyên thiếu úy sĩ quan dự bị tại Huyện đội Côn Đảo cho biết: Sau khi ra quân, dù đã làm nhiều nghề với mức lương đủ sống nhưng những kỷ niệm về cuộc sống nghiêm khắc ở quân đội luôn thôi thúc anh tìm một môi trường làm việc có tính kỷ luật cao.
Anh Xuân nói: “Dù trải qua nhiều việc nhưng tôi chưa tìm được một nghề phù hợp với mình. Khi nghe Công ty TNHH Bảo vệ và An toàn (ISP) tuyển nhân viên làm vệ sĩ tôi đăng ký liền. Sau một năm làm việc tôi nhận thấy đây đúng là môi trường thích hợp để mình phát huy khả năng…”.
Có lẽ với bất cứ ai khi bước vào nghề đều nghĩ ngay đến những ngày tháng gian khổ luyện tập, cùng với kỷ luật khắt khe trong công việc mà nếu chỉ vì kiếm sống chưa hẳn ai cũng có thể vượt qua được.
Lãnh đạo một công ty dịch vụ bảo vệ cho biết, những tố chất cần thiết cho nghề vệ sĩ là thể hình tốt, tính kỷ luật cao, linh hoạt và lòng đam mê… Trong đó 3 yếu tố đầu thì không đâu sàng lọc, đào luyện tốt hơn lực lượng vũ trang. Do đó có đến 70% nhân viên của các công ty kinh doanh dịch vụ này là bộ đội xuất ngũ hoặc công an chuyển ngành.
Và đó cũng là lý do chính khiến hầu hết các công ty dịch vụ bảo vệ đều ưu tiên cho các đối tượng từng là bộ đội và công an. Một lý do khác, ngay bản thân nhiều thanh niên xuất ngũ nếu muốn có việc làm phải có nghề hoặc vốn, mà hai thứ này đều không dễ có ngày một ngày hai.
Trong khi đó, nếu xin vào các công ty dịch vụ bảo vệ họ có thể hưởng lương ngay từ giai đoạn học nghề và chỉ mất từ 1-3 tháng là đã có việc làm với mức lương đủ sống.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, đó là sự đam mê. Cách đây vài năm, một nhóm đồng hương Bình Định bỗng xôn xao về việc anh Đặng Ngọc Tùng, người đang kinh doanh ăn uống tương đối thành đạt bỗng nhiên bỏ ngang để cùng một số người bạn đã xuất ngũ đứng ra thành lập Công ty Dịch vụ bảo vệ Nam Thiên Long.
Tùng cho biết, “là người đất võ Bình Định, lại rất mê ngành công an nhưng vì hoàn cảnh tôi không thể theo ngành được. Sau gần 10 năm làm ăn ở thành phố tôi quyết định đến với nghề vệ sĩ để thỏa lòng đam mê và cũng góp phần cho sự an toàn của xã hội…”.
Quản lý “vỏ”, buông lỏng “ruột”!?
Mặc dù manh nha từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước nhưng đến đầu những năm 2000 các công ty kinh doanh lĩnh vực này mới rầm rộ ra đời. Tính đến đầu tháng 3 – 2008, toàn TPHCM có 158 doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ đang hoạt động.
Khác với các loại hình dịch vụ khác, dịch vụ bảo vệ không tập trung nhiều ở khu vực trung tâm thành phố. Dẫn đầu danh sách là quận Gò Vấp với 22 doanh nghiệp; Bình Thạnh có 19 doanh nghiệp; Tân Bình đang quản lý 14 doanh nghiệp đang họat động…
Giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14.
Mặc dù trong cả nghị định lẫn thông tư đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Tuy nhiên, trong cả 2 văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một vệ sĩ trước khi hành nghề.
Theo Trung tá Đoàn Ngọc Minh, Đội trưởng Đội quản lý đặc doanh, PC13, Công an TPHCM, hiện nay, chỉ một vài công ty dịch vụ bảo vệ có ISO về tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên.
Đồng thời, mặc dù đã trở thành một nghề nhưng trong hệ thống trường nghề của cả nước đều chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào, cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “vệ sĩ” của Việt Nam.
Một trong những điểm hiếm hoi có đào tạo cấp chứng chỉ cho nghề này là Trường Đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tuy nhiên số lượng học viên ra trường và có chứng chỉ nghề còn khá khiêm tốn so với số lượng khá lớn đang được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty.
Tiêu chuẩn vệ sĩ: “Trăm hoa đua nở”!
Đa số các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều tự đề ra các chương trình huấn luyện nhân viên của mình. Công ty nào mạnh thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn quan trọng như PCCC, sơ cấp cứu…
Trong đó, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng đề ra tiêu chuẩn nhân viên rất thấp. Họ không quan tâm cả về trình độ học vấn, văn hóa lẫn thể hình, sức khỏe. Điều này đã dẫn đến thực trạng là nhiều bảo vệ có vóc dáng rất xấu và cư xử thiếu văn hóa với khách hàng, người dân khi đến giao dịch.
Ông Phạm Chí Điện, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực cho biết: “Hiện nay hầu hết các công ty hoạt động trên lĩnh vực này đều tự xây dựng giáo trình, tự đào tạo… Công ty nào mà người lãnh đạo có nghiệp vụ về nghề thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn thông thường như võ thuật, điều lệnh… chính vì vậy chất lượng giữa các công ty rất khác nhau…”.
Thời gian qua, có không ít công ty khi mở ra, thu tiền đào tạo của học viên và chỉ sau một vài tháng đào tạo rồi giải tán mà không tạo việc làm cho những người đã đóng tiền để học nghề.
Chuẩn hóa nghề – bao giờ?
Buổi diễn tập của một công ty vệ sĩ
ẢNH: LÃ ANH |
Từ năm 2001 đến nay, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13, Công an TPHCM) đã phát hiện khá nhiều sai phạm trong hoạt động của các công ty dịch vụ bảo vệ. Công an TPHCM đã ra quyết định xử phạt 47 cơ sở và thu hồi giấy phép kinh doanh của 2 công ty vì không đủ khả năng hoạt động.
Phần đông các cơ sở đều vi phạm các lỗi như: Tuyển dụng người không đúng chức năng; không cấp giấy chứng nhận cho nhân viên; sử dụng gậy cao su, gậy sắt trái phép; không quản lý, điều hành được nhân viên dẫn đến tình trạng nhân viên đánh nhau và đánh nhau với người ngoài; quảng cáo trên báo, đài không đúng quy định; kinh doanh không đúng địa chỉ, địa bàn đã ghi trong giấy phép; cho người nước ngoài tham gia vào ban điều hành…
Để phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng và nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ vệ sĩ tư nhân hiện nay, rất cần một quy định, một hệ thống quy chuẩn cụ thể rõ ràng và theo kịp thực tế phát triển của nghề này.
Thực tế, gần 10 năm qua, số lượng các công ty kinh doanh lĩnh vực này đã tăng gấp nhiều lần. Nếu so sánh với các nghề khác có giáo trình đào tạo bài bản, có chứng chỉ nghề được xã hội công nhận và được Tổng cục Dạy nghề quản lý… thì nghề vệ sĩ vẫn đang ở mức tự phát.
Nếu được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng lực lượng vệ sĩ sẽ góp phần vào bảo vệ trật tự, an ninh xã hội. Mặt khác, đây cũng là ngành nghề rất nhạy cảm rất dễ bị lạm quyền, nếu không kịp thời tăng cường quản lý ngay từ bây giờ, với mức độ như hiện nay, không lâu nữa nghề này sẽ phát triển tự phát và khi đó chúng ta sẽ phải gánh những hậu quả đáng tiếc….
Chiến Dũng – Đoàn Hiệp
Theo SGGP
Công ty bảo vệ SBC
Nước mắt đời nữ vệ sỹ – Bảo vệ SBC
“Có những đêm trực một mình tự nhiên ứa nước mắt mong được ngủ nệm êm giống như những người phụ nữ bình thường… Nhưng rồi cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ lại nhanh chóng xua tan ý nghĩ đó”, T.L. giãi bày về cái nghiệp đã chọn.
Đầu năm 2003, T.L., theo chân người anh làm vệ sỹ ở công ty đào tạo bảo vệ C.N., rời bỏ mảnh đất Vĩnh Long và cùng một số bạn gái cùng quê để lên Sài Gòn tham gia đợt tuyển dụng nữ vệ sỹ, một nghề còn khá mới ở thời điểm đó với phái đẹp. Dáng người cao cùng với sức khỏe dẻo dai nhờ những năm tập luyện ở đội tuyển điền kinh địa phương đã giúp T.L. nhanh chóng lọt vào danh sách lớp nữ vệ sỹ đầu tiên của C.N.
“Tuy là nữ nhưng bọn em cũng chẳng nhận được bất cứ sự ưu ái nào của các thầy đào tạo cả. Những buổi tập thể lực đầu tiên là thời điểm mà tối nào về thân thể cũng rã rời đau nhức với những vết bầm tím mà không dám khóc chỉ vì sợ nếu có người biết thì sẽ không được làm vệ sỹ chuyên nghiệp”, T.L. kể.
Ảnh minh họa. Người mẫu: Zing Model Club. |
Sự phát triển ồ ạt trên diện rộng của những khu công nghiệp may mặc, giày da, bánh kẹo… với đa phần nhân công là nữ giới, cộng thêm sự xuất hiện liên tục của hàng loạt hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam đã làm nảy sinh nhu cầu đòi hỏi các bảo vệ phải là nữ bởi có rất nhiều tình huống nam giới khó có thể giải quyết tốt những rắc rối phát sinh.
Tại cửa ra vào dành cho nhân viên ở siêu thị M. ở quận Thủ Đức, luôn luôn có sự xuất hiện của 2 bảo vệ, hoặc là một nam một nữ, hoặc cả 2 đều là nữ, chứ không bao giờ có cùng lúc 2 bảo vệ nam. Lý do rất đơn giản, tại đây, mọi nhân viên của siêu thị khi đi qua đều bị khám xét người rất kỹ càng, để đề phòng trường hợp có người giấu đồ của siêu thị vào trong quần áo và tuồn ra ngoài.
“Ngày trước quả là có nhân viên của siêu thị giấu đồ, chủ yếu là mỹ phẩm, những thứ nhỏ mà đắt tiền, trong người và mang về nhà thật, các anh bảo vệ nam khi ấy chỉ nhìn qua không thấy gì bất thường là cho đi qua nên siêu thị bị thất thoát nhiều”, chị Vân, nhân viên thu ngân của siêu thị M., cho biết. “Từ khi công ty bảo vệ đưa thêm vệ sỹ nữ tới, việc kiểm soát dễ dàng hơn”.
“Ngày nào chúng tôi cũng phải đi qua cánh cửa đó và phải giơ cao 2 tay để họ ‘rờ rẫm’ khắp người. Những ngày đầu thì còn khó chịu, chứ lâu dần thành quen, như một phản xạ ấy. Nhiều khi tôi và chị vệ sỹ vừa trò chuyện vừa thực hiện các thao tác đó mà chẳng có cảm giác gì là đang lục soát và bị lục soát cả”.
Những ca khó xử đầu tiên
Công việc đầu tiên được giao của T.L. là ở một trung tâm mua sắm thời trang lớn giữa Sài Gòn. “Những ca trực đầu tiên thực sự làm tôi căng thẳng. Mắt lúc nào cũng phải căng ra để nhìn theo động thái của tất cả các khách hàng xung quanh. Nhìn thấy ai đó có dáng vẻ nghi nghi là phải lưu ý từ lúc họ bước vào cửa cho đến khi bước ra theo đúng những gì được dạy”.
May mắn là trong cả tuần đầu tiên, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Nhưng đến ca trực thứ 8, một sự cố diễn ra mà khiến T.L. nhớ mãi như một kinh nghiệm xương máu.
“Lúc ấy, nhân viên bán hàng thông báo qua bộ đàm về một trường hợp khách hàng bị nghi là đã giấu đồ của siêu thị trong người. Tôi tiến về phía người đó và nhận ra đó là một thiếu nữ trẻ, khá xinh xắn nhưng trang điểm đậm, ăn vận bó sát người và tôi không thấy cô ấy cầm theo thứ gì”.
“Khi tôi ngơ ngác thì người thu ngân khẳng định: ‘Con bé nó mặc áo lót của siêu thị đấy chị’. Tôi tiến đến nhẹ nhàng: ‘Chào chị, phiền chị cho tôi kiểm tra vì camera cho thấy chị có những hành vi bất thường trong phòng thay đồ’. Thực ra chẳng có cái camera nào trong phòng thay đồ cả, chẳng qua đó là cái cớ đầu tiên hiện ra trong đầu tôi để buộc cô gái thuận theo. Nào ngờ, cô gái quay phắt lại, nói như quát: ‘Bà có bị điên không, trông tôi như thế này mà bà bảo tôi ăn cắp à?’. Tôi càng nhỏ nhẹ thì cô gái càng văng tục nhiều hơn. Buộc tôi phải cứng giọng yêu cầu cô ta cùng vào phòng điều hành”.
“Khi tôi nói về chiếc áo lót thì cô ta càng hung hăng: ‘Bây giờ tao cởi đồ ra mà mày không tìm thấy món đồ ăn cắp thì tao sẽ kiện cả siêu thị này’. Lập tức cô ta cởi bỏ đồ bên ngoài trước mặt tôi và 2 nhân viên thu ngân nữ. Quả là trên người cô ta chỉ có duy nhất một chiếc áo lót. Đúng là chiếc áo lót cùng kiểu đang bán ở siêu thị nhưng rất khó để cho rằng đó là món đồ cô ta ăn cắp bởi chẳng lẽ, khách hàng này vào trung tâm mua sắm này mà không mặc áo bên trong?”.
“Khi cả 3 chúng tôi còn đang ngượng chín mặt vì khó xử thì cô gái trẻ mặc lại quần áo và bỏ đi, sau khi chỉ mặt tôi nói: ‘Con kia mày nhớ đấy, tao sẽ cho mày biết tay!’. Nếu chuyện đó xảy ra bây giờ thì có lẽ tôi đã có cách giải quyết êm, nhưng lúc đó tôi không hề có chút kinh nghiệm nào nên đã để đối tượng làm chủ tình thế. Sau này chúng tôi tìm thấy con chip từ gắn vào chiếc áo lót bị rơi ra nằm trong đống quần áo khách mặc thử nhưng không mua. Tôi bị khiển trách và bị chuyển qua trung tâm khác”.
Trường hợp của Thanh, nữ vệ sỹ ở một khu công nghiệp Singapore tại Bình Dương thì khác hẳn. Không biết vì lý do gì, gần đến giờ tan tầm, 2 nữ công nhân lao vào ẩu đả làm náo loạn cả một khu sản xuất. Thanh được gọi đến để làm dịu tình hình khi mà các nam đồng nghiệp của cô đều không có mặt tại khu vực đó. Khi Thanh níu tay một “võ sỹ” thì người còn lại nhân cơ hội đó lại tát vào mặt người bị giữ. Điều đó khiến một số nữ công nhân xung quanh cho rằng Thanh về phe với nữ nhân viên vừa tung ra cú tát và lao vào tấn công luôn cả cô bảo vệ.
Sự việc chỉ được dẹp êm khi các nam bảo vệ biết chuyện chạy lại. Nhưng Thanh cũng bị kỷ luật vì không khéo léo trong cách giải quyết ẩu đả. “Lẽ ra thay vì trực tiếp can thiệp lúc họ đánh nhau, tôi phải tìm cách khiến cả 2 dừng lại và đưa họ đến nơi khác để hòa giải”, Thanh nói.
Giờ thì Thanh và T.L. cùng đang là bảo vệ của một bệnh viện quốc tế ở Sài Gòn, nơi mọi thứ “ít phức tạp” hơn theo lời nhận xét của các cô.
Long đong phận gái theo nghiệp đàn ông
Chẳng mấy khi được nói cười trong giờ làm việc, lúc nào cũng nghiêm sắc mặt và luôn xuất hiện trong bộ trang phục “khuôn hộp, cứng nhắc” kiểu nhà binh, các nữ vệ sỹ thường tránh nhắc đến chuyện nhân duyên của mình.
“Phàm nữ giới mà làm các công việc của đàn ông thì thường bị cho là ‘quá nam tính’ và ít nhiều mất đi tính hấp dẫn trong mắt những người khác giới”, T.L. nói như thể cô là chuyên gia tâm lý, nhưng kỳ thực đó là lời giãi bày rất thật của người… trong cuộc. “Làm nghề vệ sỹ, tôi ít khi được tiếp xúc với đàn ông trong dáng vẻ bình dị. Một phần cũng vì tính chất công việc khiến tôi chẳng có thời gian tìm hiểu”, người phụ nữ 27 tuổi chia sẻ về chuyện gia đình. “Có những đêm trực một mình tự nhiên ứa nước mắt mong được ngủ nệm êm giống như những người phụ nữ bình thường… Nhưng rồi cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ lại nhanh chóng xua tan ý nghĩ đó”, T.L. giãi bày về cái nghiệp đã chọn.
Theo lời kể của T.L., một nữ đồng nghiệp và là bạn thân của cô từng có bạn trai là giáo viên. Mối tình của họ từng gây ra sự ghen tị nhưng cũng là động lực để tiếp tục làm nghề của các thành viên trong đội nữ vệ sỹ của công ty C.N.. “Nhưng một chuyện xảy ra đã phá hỏng tất cả. Hôm đó Hồng cùng người yêu đi trên đường và bị một chiếc xe đi ngược chiều va phải. Người trên chiếc xe kia gây sự trước nhưng trong lúc anh người yêu chưa kịp phản ứng thì Hồng lại chủ động ‘ra tay’… Sau hôm đó, anh người yêu gửi cho Hồng tin nhắn qua điện thoại: ‘Anh không cần một người phụ nữ che chở cho mình’. Và chuyện tình yêu của họ chấm dứt.”
Tâm Anh
Theo Zing
Công ty Bảo vệ SBC
Nữ vệ sĩ
Cao 1m60 trở lên, ngoại hình dễ nhìn, tính cách mạnh mẽ, đam mê công việc và dám chấp nhận với nghề… là những yêu cầu cơ bản đối với nữ vệ sĩ. Nghề nào cũng có sự khắc nghiệt của nó, đối với nghề vệ sĩ, lại là nữ nên cũng lắm nỗi niềm.
MÔI TRƯỜNG KHẮC NGHIỆT
Nói đến nghề vệ sĩ, mọi người thường hình dung ra những chàng trai cao to vạm vỡ, võ nghệ đầy mình chứ ít ai nghĩ đến những cô gái “chân yếu tay mềm”. Thế nhưng, ngày nay các nữ vệ sĩ đang ngày càng khẳng định vị trí của mình. Ông Huỳnh Kim Hồng, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ – vệ sĩ chuyên nghiệp Quốc Việt (Phú Yên) cho biết: “Tiêu chuẩn để tuyển chọn một nữ vệ sĩ khá cao. Nữ phải cao 1m60 trở lên, nặng 48kg, tuổi từ 18 đến 45, có sức khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát và có trách nhiệm cao, khả năng xử lý tình huống tốt, lý lịch rõ ràng… Hiện nay, nhu cầu tuyển vệ sĩ nữ của các doanh nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó, không nhiều nữ vệ sĩ trụ lâu với nghề”.
Để trở thành một nữ vệ sĩ chuyên nghiệp, các cô gái phải tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ không khác gì so với nam giới. Trong một tháng, ngoài học lý thuyết về kiến thức pháp luật, tâm lý bảo vệ, học viên nữ cũng phải đổ mồ hôi hột trên sân tập thể lực để học võ thuật, chiến thuật, kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và một số nghiệp vụ đặc biệt khác. Chỉ những người vượt qua “cửa ải” kiểm tra cuối khóa mới được phân công nhiệm vụ. Trong suốt quá trình làm việc, các nữ vệ sĩ luôn phải trau dồi kiến thức, thể lực để xử lý tốt hơn trong mọi tình huống. Khó khăn lớn nhất đối với những nữ vệ sĩ là làm việc theo ca kíp, kể cả ban đêm. Hơn nữa, công việc của nữ vệ sĩ cũng khá vất vả khi suốt ca phải đứng, đi lại để kiểm soát, xử lý tình huống. Do điều kiện sức khỏe, gia đình, nên rất ít vệ sĩ nữ bám trụ được lâu với nghề. Ông Trần Văn Nhu, Trưởng phòng Kế hoạch – Đào tạo Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ vệ sĩ chuyên nghiệp Quốc Việt cho biết, mặc dù các vệ sĩ nữ có những hạn chế nhất định như tầm vóc, sức khỏe, nhưng hiện nay, xu thế các doanh nghiệp cần nữ vệ sĩ đang ngày càng phổ biến. Có thời điểm nhiều doanh nghiệp yêu cầu vệ sĩ nữ, nhưng công ty không có để cung ứng.
BUỒN VUI CHUYỆN NGHỀ
Nữ vệ sĩ Phạm Thị Minh Diệp đang tíu tít xử lý một tình huống ở cổng ra vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong bộ đồng phục “sĩ quan” mạnh mẽ, oai vệ. Minh Diệp tâm sự: “Khi mới vào nghề, mình gặp không ít phản đối từ phía gia đình. Nhưng mình đã quyết tâm và khi vào nghề mình cảm nhận được niềm vui thực sự”.
Nói là vậy, nhưng thực tế công việc của những nữ vệ sĩ gặp không ít tình huống khó xử, dở khóc, dở cười. Minh Diệp kể: “Có thời điểm do áp lực công việc, mình cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Nhưng được sự giúp đỡ của anh em trong tổ cộng thêm lòng yêu nghề, mình lại phấn đấu vượt qua”. Nữ vệ sĩ Minh Diệp chưa thể nào quên kỷ niệm mới vào nghề khi làm bảo vệ ở khu mua sắm Phan Khang. Hôm ấy, một đôi nam nữ gây gổ nhau trong khu hàng điện tử. Bất ngờ chàng trai cầm nón bảo hiểm đập mạnh vào một chiếc ti vi và làm vỡ màn hình (trị giá 14 triệu đồng). Tình huống quá bất ngờ, Minh Diệp và tổ bảo vệ không ai xử lý kịp. Sau sự cố ấy, tuy khách hàng đã bồi thường nhưng Minh Diệp và anh em trong tổ vẫn bị khiển trách khá nặng.
Nữ vệ sĩ Võ Thị Hòa Tâm, bảo vệ ở Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa gần 3 năm cho biết: “Công việc hàng ngày của mình là theo dõi hàng hóa trong siêu thị, quan sát khách hàng, trực quầy giữ túi, giỏ và hướng dẫn khách hàng. Công việc này đã dạy mình nhiều bài học về cách ứng xử trong cuộc sống”. Hòa Tâm kể lại: Hồi Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa chưa có hệ thống báo động, đội bảo vệ nhận được tin báo có một khách hàng nữ ăn mặc sang trọng lấy cắp thỏi son của siêu thị, giấu ở vùng kín. Mình được giao “xử lý” vụ này. Khi yêu cầu vị khách kia về phòng bảo vệ khám xét, chị ta la lối, khóc lóc đủ điều và yêu cầu được đi vệ sinh. Do chưa có kinh nghiệm, lại thấy người khách quá tội nghiệp, mình đã để chị ta đi. Kết quả là tang vật bị tẩu tán (nhân viên bảo vệ siêu thị tìm thấy thỏi son vứt trong nhà vệ sinh). Sau trận đó, mình bị kiểm điểm và rút ra bài học là không để tình cảm xen vào khi đang làm nhiệm vụ”.
Nữ vệ sĩ không phải là công việc dễ dàng nhưng ngày càng có sức hút đối với các bạn trẻ. Nó thể hiện sự mạnh mẽ, phá cách để khẳng định vị trí, vai trò ngày càng chủ động của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.
NGÔ XUÂN
Theo Phú Yên Online
Công ty bảo vệ SBC