Nghề vệ sĩ
Do quy luật cung cầu và tính chuyên nghiệp của nền kinh tế thị trường, hơn 10 năm trở lại đây, tại TPHCM và cả nước đã có hàng chục công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ ra đời, tạo một bức tranh sinh động cho thị trường cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Nghề nghiệp và cả sự đam mê
Cũng như bao nghề khác, nghề “vệ sĩ” được sinh ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Tại Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, phải đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, dịch vụ bảo vệ (DVBV) tư nhân mới manh nha xuất hiện và được đánh dấu bằng sự kiện Công ty DVBV Thăng Long hợp đồng bảo vệ cho ca sĩ Hồng Công Lê Minh sang Việt Nam biểu diễn.
Sau Thăng Long, một vị tướng về hưu đã đứng ra thành lập Công ty DVBV Long Hải. Mặc dù phát triển rất nhanh, nhưng so với nhu cầu thực tế của xã hội thì “cung vẫn chưa đủ cầu”, vì thế đây được xem là cái mốc quan trọng dẫn đến hiện tượng trăm hoa đua nở cho ngành kinh doanh này.
Không biết duyên hay nghiệp mà hầu hết những người thành lập hoặc đến làm việc tại các công ty kinh doanh DVBV đều là những người đã từng trải qua cuộc đời quân ngũ hoặc từng là công an. Và có lẽ cũng chỉ những người chịu được cuộc sống, công việc có tính kỷ luật cao như trong quân đội mới bám trụ được với nghề này.
Anh Nguyễn Văn Xuân, nguyên thiếu úy sĩ quan dự bị tại Huyện đội Côn Đảo, cho biết: Sau khi ra quân, dù đã làm nhiều nghề với mức lương đủ sống, nhưng những kỷ niệm về cuộc sống nghiêm khắc ở quân đội luôn thôi thúc anh tìm một môi trường làm việc có tính kỷ luật cao.
Khi nghe Công ty TNHH Bảo vệ và An toàn (ISP) tuyển nhân viên làm vệ sĩ anh đăng ký liền. Sau một năm làm việc, anh nhận thấy đây đúng là môi trường thích hợp để mình phát huy khả năng… Bà Nguyễn Thị Phi Vân, người đứng đầu Công ty ISP cho biết, những tố chất cần thiết cho nghề vệ sĩ là thể hình tốt, tính kỷ luật cao, linh hoạt và lòng đam mê…
Trong đó 3 yếu tố đầu thì không đâu sàng lọc, đào luyện tốt hơn lực lượng vũ trang. Do đó trong số gần 200 nhân viên của công ty hiện nay thì có đến trên 70% là bộ đội xuất ngũ hoặc công an chuyển ngành.
Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng đó là sự đam mê. Cách nay vài tháng, một nhóm đồng hương Bình Định xôn xao về việc anh Đặng Ngọc Tùng, người đang kinh doanh ăn uống tương đối thành đạt bỗng nhiên bỏ ngang để cùng một số người bạn đã xuất ngũ đứng ra thành lập Công ty DVBV Nam Thiên Long.
Vạn sự khởi đầu nan, đến nay Công ty Nam Thiên Long đã có khoảng 30 nhân viên và đang nhận thực hiện những phi vụ bảo vệ đầu tiên. Tùng nói: “Là người đất võ Bình Định, lại rất mê ngành công an, nhưng vì điều kiện tôi không thể theo ngành được. Sau gần 10 năm làm ăn ở thành phố tôi quyết định đến với nghề “vệ sĩ” để thỏa lòng đam mê và cũng góp phần cho sự an toàn của xã hội…”.
Mặc dù ra đời từ giữa những năm 1990, nhưng phải đến giữa năm 2001, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh DVBV. Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14. Mặc dù cả nghị định lẫn thông tư đã quy định chi tiết các điều kiện thành lập doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh DVBV, tuy nhiên, cả 2 văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một vệ sĩ, nghĩa là những chương trình huấn luyện bắt buộc trước khi hành nghề.
Hiện nay, dù đã là một nghề thật sự nhưng chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “vệ sĩ” của Việt Nam. Đa số các công ty kinh doanh DVBV đều tự đề ra các chương trình huấn luyện nhân viên của mình. Công ty nào mạnh thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, yếu thì tự chỉ bảo nhau hoặc mời giáo viên dạy một số môn quan trọng như phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu…
Trường Đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là một trong những trường hiếm hoi đào tạo và cấp chứng chỉ nghề “vệ sĩ”. Giữa trưa nắng, gần 20 vệ sĩ thuộc Công ty ISP vẫn hăng say tập luyện.
Mồ hôi nhễ nhại, từng thế võ được thực hiện sau khẩu hiệu của Thiếu úy Nguyễn Văn Khoa – sĩ quan tốt nghiệp Trường Lục quân 2. Anh Khoa cho biết, để tốt nghiệp khóa đào tạo, học viên phải vượt qua 11 môn học trong thời gian ít nhất 3 tháng. Trong đó, những môn bắt buộc như võ thuật, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, nghiệp vụ bảo vệ…
Đến nay, trường đã đào tạo được khoảng 30 khóa với hàng ngàn học viên. Hàng trăm công ty đang hoạt động trên lĩnh vực này đều có cách thức tuyển chọn, đào tạo khác nhau nên chưa tạo ra mặt bằng chất lượng chung. Nhiều công ty sau khi đào tạo xong lại không bố trí được việc làm cho nhân viên.
Để phát huy hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ vệ sĩ tư nhân đang ngày càng phát triển hiện nay, rất cần một quy định, một hệ thống quy chuẩn cụ thể rõ ràng là điều cần thiết. Nếu so sánh với các nghề khác, nghề vệ sĩ vẫn đang ở mức tự phát. }
Trong vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC (TPHCM), các vệ sĩ tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, nếu được huấn luyện bài bản hơn, kỹ lưỡng hơn chắc hẳn những thiệt hại sẽ giảm hơn nhiều. Mặt khác, đây cũng là ngành nghề rất nhạy cảm, rất dễ bị lạm quyền.
Đã không ít lần xảy ra các vụ ẩu đả giữa vệ sĩ của các công ty khác nhau và giữa vệ sĩ với người dân. Một lãnh đạo Cục Cảnh sát bảo vệ Bộ Công an từng nói: “Nếu không kịp thời tăng cường quản lý ngay từ bây giờ, không lâu nữa nghề này sẽ phát triển tự phát và khi đó chúng ta sẽ phải gánh những hậu quả đáng tiếc…”.
CHIẾN DŨNG
Theo SGGP
Công ty bảo vệ SBC